Đặc sản hương vị trăm năm
Viết về đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Hải Dương – bánh đậu xanh, Báo Hải Dương cho hay: Nguyên liệu để chế biến loại bánh này không phải khai thác từ đâu xa mà lấy ngay từ hoa màu của nội đồng, hương vị của vườn quê. Thành phần của bánh cũng đơn giản: Đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu của hoa bưởi. Những nguyên liệu này đều phải chọn lọc, chế biến tinh khiết. Bốn nguyên liệu trên pha trộn với nhau theo một tỷ lệ hợp lý, vượt tỷ lệ đó bánh sẽ kém chất lượng.
Giấy gói bánh, màu sắc của nhãn phải nghiên cứu để bánh giữ được lâu và tôn vẻ đẹp của bánh. Bánh từ lâu đã được đóng theo quy cách ổn định: 10 khẩu mỏng xếp 5 hàng (8,5 x 3,2 x 1,1cm), nặng 45gram, gần đây có những cải tiến nhưng quy cách của khẩu cơ bản không thay đổi.
Bánh đậu xanh Hải Dương ra đời tại thị xã Hải Dương từ đầu thế kỷ 20, nổi tiếng có hiệu Bảo Hiên, Cự Hương, Mai Phương… Bánh đậu xanh Hải Dương nhãn hiệu Rồng Vàng đã có mặt ở hầu hết các tỉnh Bắc Kỳ. Người Hải Dương xa nhà nhìn thấy bánh đậu xanh như nhìn thấy quê hương, lòng rạo rực nhớ quê, Khách muôn phương thấy bánh đậu xanh lại nhớ tới một thành phố nhỏ êm đềm, cư dân thuần hậu, giữa đồng bằng châu thổ nơi có đường sắt, đường bộ, đường thủy cùng đi qua. Những người cao niên ngày nay vẫn còn trong ký ức hình ảnh và hương vị bánh đậu xanh Bảo Hiên và Cự Hương xưa.
Logo bánh đậu xanh Rồng Vàng Minh Ngọc. |
Kháng chiến bùng nổ rồi chiến tranh kéo dài, thị trường bánh đậu xanh bị thu hẹp dần. Hòa bình lập lại, bánh đậu xanh Rồng Vàng vào tổ chức sản xuất công tư hợp doanh tiến lên quốc doanh song cũng “mất tích” nhiều năm. Từ năm 1986, đất nước đổi mới, bánh đậu xanh Hải Dương được phục hồi và phát triển.
Nghề chế biến bánh đậu xanh Hải Dương là một nghề chế biến nông sản thuộc 7 nhóm ngành nghề nông thôn ở nước ta. Những năm qua, các ngành nghề này có bước phát triển khá là mạnh mẽ. Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn năm 2020 ước tính đạt gần 240.000 tỷ đồng.
Cả nước hiện có 165 nghề truyền thống với gần 2.000 làng nghề. Hơn 817.000 cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn. Các cơ sở này tạo việc làm cho hơn 2,3 triệu lao động. Sự phát triển nhanh chóng của ngành nghề nông thôn được lý giải là nhờ Nghị định 52. Nghị định được ban hành năm 2018 với những quy định rất cụ thể về các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngành nghề và làng nghề nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tới 50% kinh phí dự án hay chính sách tiếp cận vốn cho khoa học công nghệ.
Đưa bánh Việt Nam ra thế giới
Một trong những cơ sở sản xuất bánh đậu xanh nổi tiếng từ thời kỳ đổi mới có thể kể đến chính là cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Rồng Vàng Minh Ngọc, tiền thân của Công ty Cổ phần Thương mại Rồng Vàng Minh Ngọc được chính thức thành lập vào tháng 6/2006. Dù chuyển đổi theo mô hình Công ty cổ phần chưa lâu nhưng Rồng Vàng Minh Ngọc luôn nhất quán với phương châm “Lưu giữ những giá trị truyền thống và tinh hoa văn hóa Việt” khi sản xuất ra các sản phẩm có nguyên liệu xuất phát từ thiên nhiên cùng với sự khéo léo của người nghệ nhân và sự kết hợp của công nghệ sản xuất hiện đại.
Sản phẩm của Rồng Vàng Minh Ngọc luôn được đánh giá là đa dạng về chủng loại, đẹp về mẫu mã, uy tín, chất lượng, an toàn thực phẩm và mang đậm nét truyền thống của người Việt Nam. Nguyên liệu chọn lọc, chất lượng cao, mùi vị thơm ngon đặc trưng nên không có gì khó hiểu khi các sản phẩm của Công ty có mặt tại 63 tỉnh thành, trong các chuỗi hệ thống siêu thị/cửa hàng, sân bay trên toàn quốc.
Ngoài bánh đậu xanh, bánh gai cũng là đặc sản của Việt Nam và cũng là niềm tự hào của Rồng Vàng Minh Ngọc – thương hiệu nổi tiếng lâu đời và đơn vị uy tín hàng đầu cung cấp sản xuất các loại sản phẩm bánh kẹo truyền thống đặc sản Việt Nam mang mùi vị đặc trưng và thơm ngon.
Các món bánh truyền thống đặc sản của Rồng Vàng Minh Ngọc nhiều năm liền được bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng cả nước bình chọn và liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi các cơ quan, tổ chức uy tín tổ chức như Giải vàng Chất lượng toàn quốc năm 2001; Huy chương vàng toàn quốc chuyên ngành Thực phẩm năm 2002; Huy chương bạc toàn quốc cho bánh gai Rồng Vàng Minh Ngọc; Huy chương vàng toàn quốc cho bánh cốm Rồng Vàng Minh Ngọc; Huy chương vàng toàn quốc cho bột đậu xanh Rồng Vàng Minh Ngọc…
Đáp ứng nhu cầu mua bán trong thời đại mới, khách hàng không chỉ mua hàng tại các chuỗi siêu thị/cửa hàng như thường lệ mà còn có thể đặt hàng trên các kênh online, ship COD toàn quốc. Đặc biệt hơn, Minh Ngọc đã bước sang các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Nga, Đài Loan, Lào…
Để có thể xuất hàng sang các thị trường này không hề là câu chuyện đơn giản, dễ dàng đối với chiếc bánh đậu xanh bé nhỏ. Gần 10 năm qua, Công ty Cổ phần Rồng vàng Minh Ngọc luôn tìm cách đưa bánh đậu xanh xuất khẩu sang các thị trường khó tính này.
Trước khi chào hàng sang quốc gia nào, doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu kỹ hàng rào kỹ thuật cũng như thị hiếu người tiêu dùng bản địa để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Từng công nhân cũng phải tuân thủ các quy định về trang phục bảo hộ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hay để vào được thị trường Mỹ thì công nghệ sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đòi hỏi có giấy chứng nhận FDA của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Sau khi sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận được thị trường Mỹ (xuất khẩu 3 tấn bánh đậu xanh đầu năm 2019), một số công ty của Nhật Bản đã đến thăm Công ty và đặt hàng.
Sau gần 1 năm với 3 lần đưa bánh sang Nhật Bản để kiểm nghiệm độ an toàn thực phẩm và thăm dò thị hiếu người tiêu dùng, lô hàng bánh đậu xanh đầu tiên của Rồng Vàng Minh Ngọc chính thức được phía Nhật đặt mua lô đầu tiên trong năm 2020. Lô hàng gồm 16.000 hộp bánh, trị giá hơn 400 triệu đồng – giá trị tuy không lớn những là dấu mốc quan trọng, ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong việc tiếp cận thị trường khó tính như Nhật Bản.
Bánh đậu xanh xuất sang Nhật Bản đã được điều chỉnh giảm độ ngọt so với sản phẩm bày bán trong nước để phù hợp hơn với khẩu vị người Nhật. Toàn bộ nguyên liệu sản xuất bánh đậu xanh đều là nông sản được sản xuất theo quy trình Vietgap tại Việt Nam.
Quy trình chế biến, sản xuất theo tiêu chuẩn ISO. Ngoài ra, giấy gói, giấy hộp, thùng bánh đều bằng chất liệu thân thiện với môi trường. Chi phí sản xuất bánh xuất Nhật vì thế cũng cao hơn, nhưng bù lại giá bán cao hơn trong nước khoảng 15% và quan trọng là tạo cơ hội vươn xa cho sản phẩm truyền thống của Hải Dương khi liên tiếp xuất hàng chục tấn bánh sang đây.
Được biết mỗi năm, Công ty Cổ phần Rồng vàng Minh Ngọc sản xuất từ 100-150 tấn bánh đậu xanh. Thương hiệu này dự định sẽ xuất khẩu sản phẩm sang một số quốc gia tiếp theo là Pháp, Anh, Australia và Nga. Rồng Vàng Minh Ngọc luôn nỗ lực hết mình để mang đến sự hài lòng cho khách hàng, tự hào giới thiệu văn hóa truyền thống của người Việt Nam đến các bạn bè trên thế giới.